12/07/2023 - 09:08 AM - 499 lượt xem
Tuần trước, một đồng nghiệp của tôi, là bác sĩ ở tuyến huyện, bị sưng đau khớp gối, điều trị hai tuần không đỡ. Chị nhờ tôi xem lại phim X-quang, phim cộng hưởng từ, siêu âm và các xét nghiệm.
Do chưa có PACS (hệ thống thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh) liên bệnh viện, chị phải dùng điện thoại chụp lại bệnh án. Hình ảnh không cho phép tôi đưa ra kết luận gì, đành đề nghị chị đến trực tiếp để chụp chiếu và siêu âm lại.
Trong khi đó, một người bạn của tôi, nay đã sang định cư ở Canada, bị đau ngực và ho, đi khám và điều trị không đỡ. Khi cô tỏ ý muốn nhờ tôi xem giúp bệnh án, để trao đổi với bác sĩ điều trị bên đó, bác sĩ đồng ý và cung cấp ID, mật khẩu đăng nhập để tôi dễ dàng tiếp cận bệnh án.
Với sự hỗ trợ của công nghệ số hóa, y tế thế giới đã có bước đột phá, từ việc tạo cơ sở dữ liệu quản lý bệnh nhân, hội chẩn cho tới khám chữa bệnh từ xa.
Năm 2002, Bệnh viện Selayang của Malaysia là cơ sở y đầu tiên trên thế giới vận hành mô hình "bệnh viện kỹ thuật số" - hoàn toàn không lưu trữ hồ sơ dưới hình thức giấy tờ. Bác sĩ ở đây không phải mang kè kè hồ sơ hay phim chụp X-quang. Tất cả tài liệu, thông tin, từ kết quả phân tích chẩn đoán của bác sĩ đến hình ảnh chụp X-quang và đơn thuốc, đều được lưu giữ tại các cơ sở dữ liệu.
Một báo cáo từ Bệnh viện Selayang năm 2003 cho biết, với mô hình mới này, Selayang tiết kiệm được rất nhiều chi phí, trong đó có khoảng 2 triệu USD cho phim chụp X-quang mỗi năm.
Cùng thời điểm, Hàn Quốc cũng tạo được cuộc cách mạng ngoạn mục nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khám chữa bệnh. Một khảo sát về y tế Hàn Quốc đầu thập niên 2000 cho thấy, có 199 bệnh viện trang bị đầy đủ bộ ba Hệ thống thông tin bệnh viện, Hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh và Hệ thống thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh (HIS + RIS + PACS). Nhờ sự liên thông này, 199 bệnh viện ở Hàn Quốc chỉ cần 70 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Trong khi đó, y tế Hà Nội lúc bấy giờ có 30 bệnh viện và 41 trung tâm y tế, nhưng riêng bác sĩ làm siêu âm có 524 người, bác sĩ làm tất cả công việc chẩn đoán hình ảnh có 171 người.
199 bệnh viện và 70 bác sĩ, bên cạnh 71 cơ sở y tế và 695 bác sĩ. Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là con mắt thần của bác sĩ, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ khi chưa có triệu chứng lâm sàng, để những bệnh hiểm nghèo như ung thư được chữa khỏi hoàn toàn. Tôi từng phát hiện ở bệnh nhân những khối u chỉ bằng hạt đậu đen hoặc bé hơn, tức là khi họ chưa có triệu chứng của ung thư. Các đồng nghiệp trẻ của tôi còn làm tốt hơn. Những chẩn đoán ấy, cách đây 20 năm, khó không khác gì yêu cầu lên cung trăng. Để chẩn đoán được như vậy cần phải có bàn tay và khối óc chuyên gia. Mà chuyên gia thì không đủ để rải đều tất cả 71 cơ sở y tế. Mô hình trung tâm chẩn đoán hình ảnh - nơi bác sĩ có trình độ chuyên gia ngồi đọc kết quả siêu âm, X-quang, CT và MRI - sẽ thực sự mang lại chất lượng chẩn đoán cao cho cả hệ thống y tế, tiết kiệm nguồn nhân lực, vật lực. Ở các bệnh viện khi đó, khoa chẩn đoán hình ảnh chỉ cần đội ngũ kỹ thuật viên như hiện tại, thực hiện siêu âm và chụp chiếu, chuyển dữ liệu về trung tâm qua PACS.
Nói như vậy để thấy được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào y tế, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu cả nhân lực lẫn vật lực như hiện nay.
20 năm trước, các nước như Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng như châu Âu và Mỹ, đã từng bước thực hiện số hóa bệnh viện ở những quy mô, phạm vi nhất định. Y tế Việt Nam cũng đang đẩy mạnh quá trình này, hướng tới tiêu chí "ba không" trong bệnh viện, gồm: không xếp hàng, không hồ sơ giấy, không thanh toán bằng tiền mặt. Thống kê của Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, 100% các bệnh viện ở Việt Nam có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS), 20 bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử; 23 bệnh viện đã triển khai PACS thay cho in phim. Những con số đó vẫn rất khiêm tốn, đến độ, tôi và người đồng nghiệp trên không có cách nào để đọc bệnh án ngoài cách thủ công: dùng điện thoại chụp lại.
Tại sao vấn đề này lại được triển khai ở Việt Nam chậm như vậy? Vì thực tế không đơn giản.
Hệ thống y tế luôn có ba nhóm người: nhóm thứ nhất tiến bộ, nhóm thứ hai lạc hậu, nhóm thứ ba gió chiều nào theo chiều đó. Ở các quốc gia thành công, nguyên nhân chính là họ có tỷ lệ nhóm thứ nhất vượt trội, đủ sức lôi kéo nhóm số hai, thực hiện số hóa được phần lớn. Y tế Việt Nam ngược lại, nhóm thứ hai quá đông, kéo được nhóm thứ nhất xuống, nên công việc số hóa bệnh viện luôn ì ạch. Tôi từng chứng kiến những nhân viên y tế biết gõ hai chữ O thành chữ Ô, nhưng mãi vẫn không nhớ cách gõ chữ Ă hay Ư... Đòi hỏi những người này phải làm công việc chuyên môn gắn với số hóa là điều quá sức.
Lợi ích cục bộ của các cơ sở khám chữa bệnh cũng là nguyên nhân cản trở quá trình số hóa hệ thống y tế. Không phải ông giám đốc bệnh viện nào cũng muốn minh bạch hóa mọi thứ dưới ánh sáng và sự rõ ràng của công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu. Một bệnh nhân của tôi gần đây phát hiện chân bị phù to không rõ nguyên nhân. Sau khi đi khám ở ba bệnh viện, cô được kết luận bị phù bạch mạch - một tình trạng bệnh lý khó chữa. Trong nỗ lực còn nước còn tát, cô nhờ tôi kiểm tra xem liệu có thể can thiệp hay phẫu thuật không. Tôi cầm tập hồ sơ dày hàng chục trang từ cả ba bệnh viện lớn. Nơi nào cũng yêu cầu chừng đó thứ: X-quang, siêu âm Doppler mạch, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm máu... với kết quả tương tự. Nếu hệ thống dữ liệu được liên thông, bệnh nhân chỉ cần làm một lần các xét nghiệm, chụp chiếu và tất nhiên, cũng chỉ cần trả tiền một lần. Liên thông dữ liệu có lợi rõ ràng cho bệnh nhân, nhưng khiến nhiều bệnh viện chỉ nhìn thấy cái thiệt trước mắt, không thấy cái lợi lâu dài. Vì thế, họ không có động lực đẩy mạnh chuyển đổi số cho cơ sở của mình.
Quá trình số hóa bệnh viện còn đối diện với những mặt trái khác như chi phí đầu tư đắt đỏ, cơ sở hạ tầng thông tin thiếu đồng bộ, khả năng bảo mật bệnh án điện tử chưa cao... Ở những quốc gia có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt bệnh án điện tử, chế tài pháp lý chặt chẽ, tôi thấy vẫn lọt thông tin bệnh nhân. Các quy định và kinh nghiệm bảo mật thông tin cá nhân ở Việt Nam theo tôi còn rất sơ sài.
Vì vậy, số hóa hệ thống y tế vẫn sẽ là một giấc mơ lãng mạn khi chưa giải quyết được vấn đề lợi ích của các cơ sở khám chữa bệnh, chưa trang bị tốt hạ tầng thông tin, và nhân lực y tế chưa được đào tạo đến nơi đến chốn để sẵn sàng chuyển đổi số.