23/08/2023 - 02:28 PM - 560 lượt xem
Vaccine mới được gọi là vaccine "hai giá trị", đã được điều chỉnh để phù hợp với chủng virus ban đầu cũng như biến chủng phụ của Omicron là BA.1. Thử nghiệm cho thấy vaccine khi sử dụng làm liều tăng cường có thể kích hoạt "phản ứng miễn dịch mạnh mẽ", chống lại cả BA.1 và virus gốc năm 2020.
Báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy vaccine thế hệ mới cũng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm biến chủng phụ XBB. Vaccine giúp giảm 48% nguy cơ mắc triệu chứng nhẹ ở người 18 đến 49 tuổi từ hai đến ba tháng sau tiêm. Tỷ lệ hiệu quả ở người từ 50 đến 64 tuổi là 38%, người 65 tuổi trở lên là 42%.
Các chuyên gia của CDC bày tỏ sự hài lòng đối với kết quả nghiên cứu. Họ cho rằng người dùng vaccine sẽ được bảo vệ hiệu quả hơn trước các biến chủng mới, trong đó có cả chủng EG.5, một dòng phụ của Omicron.
"Vaccine giúp giảm một nửa nguy cơ nhiễm bệnh ở cấp độ dân số. Kinh nghiệm từ các đợt lây nhiễm cho thấy vaccine sẽ bảo vệ người dùng khỏi triệu chứng nghiêm trọng. Đây là nghiên cứu liên quan đến các ca nhiễm có triệu chứng. Chúng tôi phỏng đoán tỷ lệ ngăn ngừa ca nhập viện sẽ tương tự, khả năng ngăn ngừa ca tử vong cao hơn", tiến sĩ Ruth Link-Gelles, chuyên gia của CDC, cho biết.
Đối tượng ưu tiên tiêm chủng vẫn là người già, người có bệnh nền, nguy cơ cao mắc Covid-19. CDC cũng khuyến nghị trẻ từ 6 tuổi trở lên tiêm một liều vaccine thế hệ hai.
Một số chuyên gia y tế công cộng kỳ vọng người Mỹ sẽ tiếp nhận vaccine mới như vaccine phòng cúm. Tuy nhiên, ngay cả khi biến chủng EG.5 đang lan rộng, sẽ trở thành chủng chủ đạo, nhu cầu tiêm phòng đã giảm mạnh kể từ năm 2021, sau khi 73% dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine loại cũ.
Theo Ashley Kirzinger, Giám đốc Phương pháp Khảo sát của Quỹ Kaiser Family, để đợt tiêm chủng tiếp theo diễn ra thành công, giới chức y tế cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về các mối nguy hiểm tiềm tàng liên quan đến Covid-19, dù đã tuyên bố kết thúc đại dịch.